Đạo Phật Ngày Nay

Khởi động chương trình Mùa xuân tôn vinh văn hóa dân tộc 2012

Chương trình sẽ bắt đầu vào 8h00 ngày 06/2/2012 và tổ chức trong ngày 15 tháng giêng Nhâm Thìn tại quần thể Đình – Đền – Chùa làng Sủi thuộc xã Phú Thị, Gia Lâm, Hà Nội.

Được sự ủng hộ của Bộ Thông tin và Truyền thông, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Ủy ban Nhân dân TP. Hà Nội; Ủy ban Nhân dân huyện Gia Lâm, Trung tâm hỗ trợ phát triển tài năng, Công ty CP Quốc tế Minh Hoàng Gia, Viện Bảo tồn Di tích; Hội Trí thức Khoa học và Công nghệ trẻ Việt Nam, Hội Kiều học Việt Nam tổ chức Chương trình Mùa xuân tôn vinh văn hóa dân tộc.

Địa linh nổi tiếng này từng thờ người phụ nữ tài sắc vẹn toàn đó là Nguyên phi Ỷ Lan cô thôn nữ trang Thổ Lỗi được Lý Thánh Tông đón về làm vợ, hệt như chuyện cô Tấm ướm giày mà thành hoàng hậu. Chùa Sủi tên chữ là Đại Dương Tự vốn là nơi Nguyên phi Ỷ Lan về cầu tự sinh được Thái tử lớn Càn Đức… Trong quần thể di tích đình – đền – chùa này có nhà tưởng niệm: nhà thơ xuất chúng, lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Mỹ Lương Cao Bá Quát. Quần thể kiến trúc lịch sử này nằm trong vùng văn hóa Luy Lâu miền phát tích Phật giáo Việt Nam từ thế kỷ thứ 2 đầu Công nguyên đã được Bộ Văn hóa và thông tin xếp hạng di tích kiến trúc, nghệ thuật từ năm 1989.

Chương trình Mùa xuân tôn vinh văn hóa dân tộc là hoạt động tôn vinh giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của dân tộc với nhiều lễ hội linh thiêng và nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc như: Lễ bái tạ Phật hoàng Trần Nhân Tông; Mùa xuân với Lễ cầu an; Khởi động Trung tâm Truyền thông di sản Việt Nam và thực hiện dự án Bản đồ chùa Hà Nội; Tọa đàm Truyện Kiều “Thiên thu tuyệt diệu từ”, Phát động cuộc thi cảm ngẫm và bình thơ Truyện Kiều; Thư pháp đương đại – Tặng chữ Ngày xuân và Ngày xuân nói chuyện về Thánh Quát.

Nhằm Ngày Nguyên tiêu rằm tháng giêng Nhâm Thìn, Mùa xuân với Lễ cầu an được tổ chức tại Giảng đường Đạo Tràng chùa Sủi với sự tham dự của nhiều cao tăng và hàng trăm phật tử thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Hà Nội, Đạo tràng Pháp hoa, Đạo tràng Tịnh Độ chùa Sủi, đội dâng hương của huyện Gia Lâm… Nghi thức Phật giáo linh thiêng mở đầu với màn múa khai hội của các chư tăng, hộ pháp.

Nhân dịp này Đệ tam Pháp chủ Thích Phổ Tuệ đã có Thư mừng gửi Ban tổ chức chương trình, Thư nhấn mạnh: “… Đạo Phật du nhập vào nước ta khoảng những năm đầu Công Nguyên và trở thành một trong những hệ tư tưởng có sức sống lâu dài, song hành cùng lịch sử dân tộc và có ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống văn hóa cộng đồng người Việt. Đạo Phật đã thích ứng, hòa nhập và trở thành một tôn giáo gần gũi, thân thương với dân tộc và con người Việt Nam. Theo thời gian Đạo Phật được Việt Nam hóa, trở thành một phần của cơ thể văn hóa và xã hội Việt Nam.

… Đầu xuân Nhâm Thìn cầu chúc Việt Nam hội nhập và phát triển, sớm sánh vai với các cường quốc năm châu, cầu chúc đạo hữu, phật tử và con dân đất Việt ở trong nước và ngoài nước an lạc, hạnh phúc”.

Kế đó Câu lạc bộ thơ Cao Bá Quát và Ban Quản lý di tích Phú Thị tổ chức Ngày xuân nói chuyện về Thánh thi Cao Bá Quát với sự tham dự của nhiều nhà nghiên cứu văn hóa như TS. Đặng Văn Bài, nhà văn Xuân Cang.

Trong dịp này Trung tâm Truyền thông Di sản Văn hóa Việt thuộc Viện Bảo tồn Di tích và Trung tâm hỗ trợ phát triển tài năng sẽ công bố thực hiện Bản đồ chùa Hà Nội chặng đầu của dự án Bản đồ di tích Việt Nam với sự bảo trợ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Bản đồ là sản phẩm văn hóa chất lượng cao được phát hành dưới nhiều dạng thức: bản đồ dưới dạng để treo, tờ gấp, tập sách ảnh, đĩa CD, VCD, DVD, website... Đây là cơ sở dữ liệu về di tích Việt Nam, góp phần phục vụ công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích, nâng cao giá trị các sản phẩm du lịch, quảng bá hình ảnh văn hóa Việt Nam với cộng đồng quốc tế.

Được sự ủng hộ của Hội Nhà văn Việt Nam, tọa đàm Truyện Kiều: Thiên thu tuyệt diệu từ được tổ chức vào chiều cùng ngày. Nhiều nhà văn, nhà nghiên cứu văn hóa danh tiếng như GS.TS Trần Đình Sử, GS Phong Lê, nhà thơ Vũ Quần Phương, nhà nghiên cứu kiều học Lê Xuân Lít sẽ đề cập ở nhiều góc độ khác nhau về cái hay cái đẹp của Truyền Kiều như: Sức sống Truyện Kiều, Thư pháp Truyện Kiều, Dấu ấn Phật giáo trong Truyện Kiều; nghệ sĩ Hồng Oanh ngâm thơ Kiều do Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh hỗ trợ thực hiện trích đoạn thơ Kiều lẩy Kiều, đố Kiều… Hội Kiều học Việt Nam sẽ phát động Cuộc thi Cảm ngẫm và bình thơ Truyện Kiều.

Trải qua hàng nghìn năm cha ông ta đã mượn chữ Hán là chữ viết chính thức của dân tộc và Hán Nôm là một cây cầu quan trọng nối quá khứ với hiện tại và tương lai. Mừng thay những năm gần đây “Chợ Văn” lại náo nhiệt người đi “xin chữ thánh hiền” vào dịp đầu xuân ngày một đông. Mạch ngầm văn hóa từ bao đời cha ông tích lũy nay lại nảy những mầm xanh mới. Trong dịp này TS. Trương Đức Quả - Viện Nghiên cứu Hán Nôm và Đại đức Thích Mãn Định chùa Khánh Long sẽ tổ chức tặng chữ ngày xuân cho du khách thập phương tham dự chương trình.

Đêm Âm hưởng Bắc Bộ cùng ngày với sự tư vấn nghệ thuật của Thạc sĩ âm nhạc, nghệ nhân thế giới Phạm Thị Huệ sẽ giới thiệu chọn lọc những giai điệu truyền thống với ca trù, quan họ, chầu văn …

Kế tiếp đó ngày 24/3/2012 (tức ngày mùng 3 tháng 3 năm Nhâm Thìn) tại chùa Sủi sẽ diễn ra nhiều hoạt động văn hóa mang tính cộng đồng: Lễ hội Vinh danh danh nhân Nguyên phi Ỷ Lan, Tọa đàm về Phù Đổng Thiên Vương, Hội thảo bảo tồn phát huy giá trị di sản dân tộc trong đời sống hiện đại, Giới thiệu sản phẩm gốm Việt, tôn vinh dòng gốm Bát Tràng, Chu Đậu... Đỉnh cao của chương trình là Đêm xuân văn hóa Việt 2012 vào tối được tổ chức với quy mô lớn cùng ngày, chọn lọc và hội tụ nhiều loại hình ca múa nhạc truyền thống, cách tân và hiện đại, góp phần khơi gợi ý thức cộng đồng cùng chung sức giữ gìn và phát huy giá trị di sản đáng tự hào của dân tộc ta.

Nguồn: afamily

Bình luận