Đạo Phật Ngày Nay

Nhân ngày Phật Đản viết thư cho bạn

Thay đổi là vô thường, mà cái gì vô thường là khổ, điều này đã được Đức Phật chỉ dạy trong rất nhiều bài kinh.

Boston, 14/05/2011

Bạn T thân mến

Lúc này cũng hơi rảnh rổi, vì chưa có việc làm. Mấy ngày qua nhận được nhiều email của các bạn tại Việt Nam, nay mới có dịp hồi âm.

Khí hậu tại Boston tuy vẫn còn lạnh nhưng nhiều ánh nắng hơn, thỉnh thoảng có những cơn mưa rào rất nhẹ và  ngắn ngủi, trời  lạnh, nhưng dể chịu, thư thả.

Có lẽ do thời tiết như vậy hay thêm nữa là sự yên tĩnh vô cùng của môi trường chung quanh khiến lòng người cảm thấy êm ả và yên bình, dù rằng tương lai phía trước hãy còn chưa biết ra sao và sự giao tiếp với tha  nhân bị hạn chế nhiều so với nơi quê nhà.

Tôi đã từng nói với T là trong tôi có 2 cuộc sống, Đạo-Đời hay cuộc sống theo chánh pháp, vô ngã- vị tha và Đời-Đời hay cuộc sống phàm phu- thế tục. Bấy lâu nay đời-đời là chánh hay quá chánh, đạo-đời là quá  nhỏ, hay nhỏ đến mức độ chỉ là " Vết ' như từ được dùng trong môn môn hóa học.

Bây giờ thì tôi luôn cố gắng thay đổi mình để từng bước lật ngược tình thế, có thể rất khó và có thể rất chậm. Nhưng không! phải nói cho chính xác là chắc chắn là khó, chắc chắn  là chậm, vô cùng khó và vô cùng chậm.

Tôi đã thấy ánh sáng, dù chỉ là một đốm sáng quá ư là yếu ớt, le lói tận chân trời xa thẳm, rất xa, vô cùng xa tận, nhưng đối với tôi nó có giá trị hơn muôn ngàn châu báu, vàng bạc, hơn muôn vạn lần công hầu khanh tướng, vợ đẹp con ngoan, và chỉ đến khi tuổi đời như chúng ta hiện nay, thì tôi nghĩ mình cũng đã đủ chính chắn để đưa ra một nhận định riêng cho mình như thế.

Thế thì con đường đi đã quá rỏ ràng ! Vấn đề là có lên đường hay không? Như T đã biết, sẽ luôn luôn là sớm và luôn luôn là muộn nếu như ta không thật sự đặt bước chân mình trên đường. Điều thật may mắn là chúng ta có cùng một lý tưởng và đang cùng nhau cất bước khởi hành, cho dù chỉ là những bước đi đầu tiên hay chỉ là những bước chân rất ư là khập khiểng.

Thật ra những điều mình kể về Boston với bao vẽ đẹp, với rất nhiều điều hay, là muốn nói về cuộc sống đời thường để cho các bạn hình dung ra, còn có một thế giới rất lạ bên ngoài Việt Nam, mà những sự khác biệt giữa hai nơi, là biểu hiện của quy luật nhân quả với biết bao mối  tương quan duyên khởi sai khác trùng điệp, nơi này có cái này đẹp, cái kia xấu, thì nơi kia có cái kia đẹp, cái nọ xấu . . .

Nhưng đối với con người thật sự của tôi thì cái thế giới đẹp đẻ và hay ho ấy, hoặc thể xấu xa và buồn chán, thì nó vẫn không hề có sự khác biệt so với cái thế giới tại quê nhà hay bất cứ nơi nào khác trên thế gian này, tất cả đều như nhau, tất cả chỉ là sự kết hợp của nhân duyên, do duyên sinh mà thành, cũng khổ, cũng vô thường, suy tàn và hoại diệt, cũng bị chi phối bởi sinh lão, bệnh, tử, cũng bị sầu bi khổ ưu não đeo bám như bóng không rời hình.

Hay với cái nhìn của nhà vật lý thiên văn thì tất cả cũng chỉ là những viên bi của Stephen Hawking về sự hình thành vũ trụ, nếu điều kiện thế này thì kết hợp thành dạng này, nếu điều kiện thế kia thì kết hợp thành dạng như thế kia, mà điều kiện thì thay đổi liên tục, là vô giới hạn, không có điểm khởi đầu và không có điểm kết thúc.

 Thay đổi là vô thường, mà cái gì vô thường là khổ, điều này đã được Đức Phật chỉ dạy trong rất nhiều bài kinh.

Biết vậy nhưng tại sao tôi lại cứ mãi mê chấp thủ vào, nương tưa và chấp trước vào nó, vẫn say đắm, vui buồn bị động theo nó, vẫn bị các niệm và tư duy thế tục chi phối làm điên tam đảo tứ đến độ đảo tứ điên tam.

Ấy là do trong tôi đang tồn tại biết bao vô minh và tham ái, và chỉ khi nào tôi nổ lực hành trì tu tập liên tục, không phút giây ngưng nghỉ từ kiếp này qua kiếp khác trong vô lượng thời gian, mới có thễ xóa tan được bức màng vô minh tham ái đó.

Không những vậy, có một trở ngại, một chướng ngại vô cùng lớn, nó tồn tại như thể một quy luật. Trong lúc tôi tu tập, khi tôi đạt được một thành tựu nào đó, tiến bộ được một bước, thì tự động các tùy miên huân tập từ các nghiệp duyên bất thiện trong quá khứ, là tham sân si, là phóng dật, là các kiết sử vốn vẫn tồn tại, ngủ yên hay đang hoạt động trong tâm tôi, nay bị khuấy động lên, để sinh khởi nhiều hơn và phát triển mạnh mẻ lên tạo thành một lực kéo (trì lực) để kéo tôi lùi lại, như thể khiến cho tôi bị thối lui  không những một mà hai bước, thậm chí còn gấp nhiều lần. Điều này làm cho tôi bối rối, nghi ngờ và chán nản.

Tại sao nói là “như thể” mà không là “chắc chắn” ?.

Nói là như thể là bởi có hai trường hợp có thể xảy ra:

             - Rằng nếu như tôi khi gặp phải trì lực ấy, tôi khởi lên sự nản chí, không nổ lực với sự kiên trì trong thời gian dài, không thực hành kham nhẫn với trí tuệ (kham nhẫn Ba La Mật) thì lực ấy sẽ kéo lui tôi lại, không những hai bước mà có khi còn nhiều hơn thế nữa,

             - Và rằng nếu như tôi có đủ nổ lực kiên trì, có đủ ý chí, thọ trì kham nhẫn với trí tuệ trong thời gian dài, thì trì lực ấy không những bị triệt tiêu mà còn được chuyển hóa để sinh khởi thiện duyên mới tạo nguồn động lực hướng thiện làm nền tảng cho những bước tăng trưởng vững chắc tiếp theo.

 Khi ấy những nghịch cảnh, trở thành những thuận cảnh, chuyển thành những thuận duyên. Phiền não trở thành Bồ đề.

Như thế, trong quá trình thực hành tu tập tôi cũng như T, chúng ta vẫn liên tục có những thời điểm bị gián đoạn tinh tấn hành trì giới và định. Những lúc ấy nếu như chúng ta không nhận ra quy luật trên để khởi lên sự kiên trì, kham nhẫn nhiều hơn nữa, lâu dài hơn nữa, quyết tâm hơn nữa, dũng lực hơn nữa, thì chúng ta sẽ  vẫn mãi mãi  bị chi phối, bị nhiếp phục, bị khuynh đảo bởi những chướng ngại điên đảo từ bên trong và từ  bên ngoài, vi tế và nguy hiểm nhiều hơn, khiến cho chúng ta  bị chao đảo, nghiêng ngã, thối chí, có lúc như là buông xuôi.

Như  T đã biết, Đức Phật là bậc Đại trí huệ, Đại bi, Đại dũng lực, đã tu tập với các thành tựu vô thượng giới định tuệ từ vô lượng kiếp, trong sáu năm xuất gia đi tìm chân lý, Đức Phật đã  phải khuất phục  Ma vương, với Ác ma cùng đệ tử, bởi chúng ghen tỵ, ganh ghét, luôn tìm cách uy hiếp, khủng bố, não hại cùng các cám dổ, dụ dổ, mê hoặc . . ., với trăm phương nghìn kế để ngăn không cho Ngài giác ngộ.

 Thì chúng ta đang là hạng phàm phu, quá ư là phàm phu, với biết bao vô minh phiền não,  ngã chấp, ngã dục ngày càng kiên cố theo thời gian kể từ hằng sa kiếp trước, và không thể kể xiết những bất thiện nghiệp đang chờ ngày trổ quả. Chúng ta hãy còn đang ở nơi quá xa xôi để có thể tiếp cận với các giai vị của các bậc Hữu học, chớ nói gì bước chân lên con đường Thánh đạo, nói gì đến chứng đắc các quả vị. Thì sao chúng ta lại không bị  những chướng ngại, nghịch cảnh đến với mình.

Chúng ta đã cùng nhau lên đường, chắc chắn rằng trên cuộc lữ hành vạn dậm, xa xôi miên viễn ấy, Tôi và T chắc chắn  sẽ còn nhiều lần bị  té ngã, rất nhiều lần, vô số lần có khi rất đau đớn, có khi phải trả giá rất đắt, có khi ngoài sức chịu đựng.

Nhưng không sao cả, bởi chúng ta đã nhận ra với kinh nghiệm tự thân, với lý trí sáng suốt và lòng  tin tưởng chuyên nhất  vào ánh sáng dẩn đường đến từ niềm tin bất động nơi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.

Và rằng với niềm đoan chắc bất thối chuyển ấy, chúng ta đã, đang và sẽ  lại tiếp tục kiên trì nổ lực tu tập với kham nhẩn, không phải trong chốc lát mà là trong thời gian lâu dài, để bao lần té ngã là bao lần  giúp chúng ta trưởng thành hơn, tinh tấn và mạnh mẻ hơn, để cuộc sống thế tục với biết bao nghiệt ngả, oan trái mà chúng ta đang cưu mang trong thân phận “người trả nợ”, sẽ ngày càng đến gần với chánh đạo hơn, phàm trí của chúng ta ngày càng  gần với chánh trí hơn, và để chúng ta trong tương lai không xa, có thể vươn đến, đạt đến sự tỉnh thức ở một mức độ nào đó, mà ít ra là không còn rơi vào cuộc sống đắm chìm trong dục vọng, bị những cảm giác thế tục nhai nghiến, bị những cơn khát ái của phàm nhân thiêu đốt, hay bị cuốn hút vào vòng xoáy của hư vô đoạn diệt.

Khi ta đang tham lam, tham xan, mong cầu, sân hận, ganh tỵ, ghen ghét, hiềm hận, thù hận,  não hại, si mê, mê muội, say đắm, đắm đuối, đắm mình trong dục lạc, hư danh, ích kỷ, keo kiệt, bần tiện, bỏn xẻn, hẹp hòi, kiêu căng, tự mãn, ngã mạn, hống hách, khả ố, độc ác, ác tâm, hung dử, hung ác . . .;

Khi ta đang phóng dật, phóng tâm, sợ hãi, âu lo, hèn yếu, nhút nhát, khiếp sơ, khiếp đảm, yếu đuối, mất tự tin, nhỏ bé, hèn nhát, ươn hèn, nịnh bợ, bợ đở, bi quan, chán nản, thối chí, nản chí, đau khổ, thống khổ, sầu bi, sầu khổ, ưu tư, tuyệt vọng. . .;

Ta biết rỏ ngay các trạng thái tâm thức ta ngay lúc vừa sinh khởi.

Trong thời kỳ đầu tu tập tôi và T chắc chắn là không có khả năng nhận biết rỏ các trạng thái tâm và tâm sở ngay lúc chúng vừa sinh khởi. Chúng ta  có thể hiểu biết rất rành về giáo lý, thuộc lòng rất nhiều bô kinh, có khả năng thuyết giảng thông suốt, có biệt tài lý luận chặc chẻ, tranh luận luôn thắng thế, áp đảo mọi phía, nhưng chúng ta lại không có khả năng ý thức được tứ oai nghi, đi đứng, nằm, ngồi; biết tiết độ trong ăn uống ngủ nghỉ; biết dừng lại trong hưởng thụ tiện nghi vật chất; biết vừa đủ để đi đến nhàm chán sự ràng buột của danh lợi tài sắc, và ngay cả lúc mình đang nói, cũng không có khả năng để nhận biết là minh đang nói gì.

Những điều trên là  bình thường đối với hàng phàm phu như chúng ta. Nhưng bây giờ, ngay lúc này, không thể tiếp tục như vậy nữa, tôi và T, chúng ta phải tiếp tục chuyển biến, tiếp tục làm mới mình để xứng đáng là người con Phật, để không phải hổ thẹn khi tư xưng mình là một Phật tử.

 Theo tiến trình thực hành tu tập, thời gian để nhận biết rỏ các tác động tâm đã sinh khởi sẽ phải được giảm dần theo mức độ công phu thực hành. Có thể phải  hơn vài tháng, vài tuần, hay vài ngày sau đó, hay chỉ sau vài giờ, vài phút, vài giây sau chúng ta mới nhận ra hiện trạng tâm thức lúc ấy, và nếu đạt đến thành tựu hơn hết, sẽ biết rõ  chúng ngay lúc vừa sinh khởi, ngay lúc chúng đang là.

Nếu tôi và T nổ lực, chuyên cần, với sự kiên trì quyết tâm thực hành tu tập, thì theo tiến trình trên, rồi sẽ đến lúc nếp sống đạo sẽ được chúng ta thể hiện trong phần lớn thời gian trong ngày, khi ấy lối sống phàm phu với thân, khẩu, ý luôn bị tha hóa, luôn bị cuốn theo, luôn bị dẫn dắt (ta bị xỏ mũi, chớ không phải trâu bị xỏ mũi) bởi các ảo ảnh, các tiêu chuẩn, giá trị thế tục, đời thường, sẽ  bị muội lược đi rất nhiều, trở thành phụ, rồi được giảm dần đến mức độ chỉ còn là vết theo ngôn từ hóa học.

 Như thế, tôi và T đã có những cột mốc, những đích đến trên con đường mình đang đi rất cụ thể, rất rỏ ràng. Mục đích sau cùng của việc tu tập theo Phật pháp, là để giải thoát khổ, hay không còn sinh tử luân hồi, hay chứng đạt thân tâm an lạc, tĩnh tại, trí tuệ viên thông, tứ vô lượng tâm nhập thế viên dung.

Nhưng đối với chúng ta, những người Phật tử sơ cơ thì  mục đích và những thành tựu trên hãy còn quá xa. Mục tiêu ngay trước mắt và thực tế nhất là thực hành theo chánh pháp để tâm thức mình được tự do, tự chủ phần nào trước các áp lực, cám dổ của dục lạc thế gian, bước đầu thoát khỏi cảnh giới tâm thức phàm phu hạ liệt, bước đầu thoát khỏi kiếp nô lệ của ngã chấp, ngã dục bên trong mình.

Cho dù tôi đang ở đâu, trên các cõi trời, dưới địa ngục hay mang thân các loài khác cùng loài phi nhân, dù có lúc tôi là kẻ chiến bại, bị thối thất, bị thối chuyển, nhưng chắc chắn đó chỉ là những khoảng thời gian rất ngắn ngủi, chắc chắn rằng với lòng tin sắt đá nơi Tam bảo, với sự nhẫn nại, tinh tấn, và lòng chuyên cần dõng mãnh của một trượng phu, tôi sẽ đứng lên để tiếp tục hành trì Tứ niệm xứ, Tứ vô lượng tâm miên mật vững chắc như tòa kim cương bất hoại. Vì sự  an lạc, hạnh phúc và lợi ích của những người thân quen và những người không thân quen với tôi và cho đến muôn loài cùng vạn vật trong khắp cùng phương hướng, khắp cùng vô biên giới.

Chắc T cũng đồng ý với tôi là khi một người có tâm thanh tịnh thì dù nơi thâm sơn cùng cốc, hay hoang mạc sa mù, dù nơi cực bắc giá băng hiu quạnh, hay nơi mênh mông biển cả mù khơi, dù nơi địa ngục tối tăm đày đọa, hay chốn thiên đàng vui chơi, hoan lạc . . . tất cả những nơi ấy đều là cõi Tịnh độ an lành hạnh phúc, nói gì tới Boston văn minh cổ kính hay Sài gòn náo nhiệt đông vui, những nơi ấy vốn từ lâu đã là chốn Tịnh thổ yên bình, hạnh phúc.

Tâm thanh tịnh là tâm Tịnh độ, là cõi tịnh độ nơi ta, trong ta, ngay trong cuộc sống này, ngay trong phút giây này, khoảnh khắc hiện tại đang là này.

Hảy ra đi để trở về  tự mình khai phá tâm thức mình, rồi bạn sẽ khám phá bao điều thú vị, mầu nhiệm bên trong bạn và bên ngoài bạn.

               “ Tâm hồn thản nhiên trước sự vật, tâm trí mở ra trước huyền nhiệm của sự sống”

                                                                                                                 ( Martin Heidegger )

                                 " Hãy ra đi một mình, như tê ngưu một sừng"

                                                                                                            ( Suttanipata )

                                " Thà chết nơi chiến trận, còn hơn sống trong thất bại"

                                                                                                           ( Kinh tập )

Thân chúc Tề và gia đình thường tinh tấn.

Le - NN

Bình luận